Robot công nghiệp là gì? Cấu tạo, phân loại và ứng dụng

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, robot công nghiệp đã trở thành hệ thống quan trọng trong quá trình tự động hóa sản xuất. Với khả năng làm việc liên tục, chính xác và hiệu quả, các hệ thống robot đang thay thế dần các quy trình thủ công, giải phóng sức lao động con người, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí vận hành.

Bài viết này A.I Tech sẽ chia sẻ góc nhìn toàn diện về khái niệm, cấu tạo, phân loại và ứng dụng của robot công nghiệp, cùng với vai trò của chúng trong kỷ nguyên tự động hóa ngày càng phát triển.

Tổng quan về robot công nghiệp
Tổng quan về robot công nghiệp

Robot công nghiệp là gì?

Theo tiêu chuẩn ISO 8373, robot công nghiệp là một hệ thống điều khiển tự động, được lập trình và có khả năng di chuyển trên hai hoặc nhiều trục, để thực hiện các thao tác cơ học phức tạp trong quá trình sản xuất công nghiệp, thường hoạt động trong dây chuyền sản xuất với độ chính xác và tốc độ cao.

Chúng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tự động hóa sản xuất, giúp doanh nghiệp cải thiện năng suất, giảm thiểu lỗi và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hệ thống robot công nghiệp
Hệ thống robot công nghiệp

Cấu tạo của robot công nghiệp

Một robot công nghiệp được cấu tạo bởi nhiều thành phần, nhưng những yếu tố chính có thể kể đến như:

  • Khung chịu lực: Đây là bộ phận chính quyết định cấu trúc và kích thước của robot. Khung cơ học thường được làm bằng kim loại hoặc các hợp kim để đảm bảo độ bền, chịu được tải trọng lớn.
  • Bộ truyền động và động cơ: Các loại động cơ phổ biến bao gồm động cơ điện, động cơ thủy lực và động cơ khí nén. Tùy vào mục đích sử dụng mà mỗi loại robot sẽ được trang bị động cơ khác nhau.
  • Hệ thống điều khiển: bao gồm phần cứng và phần mềm để kiểm soát chuyển động của robot. Phần mềm lập trình cho phép điều chỉnh các tham số như tốc độ, quỹ đạo và lực tác động của robot.
  • Cảm biến: Cảm biến giúp robot thu thập dữ liệu môi trường xung quanh. Các loại cảm biến phổ biến bao gồm cảm biến vị trí, cảm biến lực và cảm biến thị giác.
  • Kẹp hoặc đầu công cụ (End-Effector): Đây là phần được gắn ở cuối cánh tay robot, tùy vào nhiệm vụ cụ thể mà đầu công cụ có thể là kẹp, mỏ hàn, hoặc đầu phun sơn.
Cấu tạo cơ bản của robot công nghiệp
Cấu tạo cơ bản của robot công nghiệp

Các loại robot công nghiệp

Robot công nghiệp được phân loại dựa trên cấu trúc cơ học và phạm vi ứng dụng. Dưới đây là các loại robot công nghiệp phổ biến:

Robot Cartesian (Robot tuyến tính)

Robot Cartesian hoạt động dựa trên hệ tọa độ tuyến tính với ba trục chuyển động chính: X, Y, và Z. Loại robot này thường được sử dụng trong các ứng dụng cần chuyển động theo hướng tuyến tính như cắt, lắp ráp và vận chuyển vật liệu. Với cấu trúc đơn giản, robot Cartesian có ưu điểm là dễ lập trình và bảo trì, nhưng hạn chế trong các ứng dụng yêu cầu chuyển động phức tạp.

Robot công nghiệp hình trụ

Loại robot này có cấu trúc hình trụ, với một trục chính có thể xoay và các trục khác di chuyển theo chiều dọc hoặc ngang. Robot công nghiệp hình trụ thường được sử dụng trong các ứng dụng như hàn và lắp ráp tự động. Với thiết kế nhỏ gọn, nó phù hợp trong các không gian làm việc hạn chế.

Robot công nghiệp hình trụ
Robot công nghiệp hình trụ

Robot công nghiệp hình cầu

Robot công nghiệp hình cầu (Spherical Robot) có khả năng di chuyển theo các hướng xoay và hướng xuyên tâm, giống như cách hoạt động của một cánh tay con người. Điều này cho phép robot tiếp cận nhiều điểm trong không gian với độ chính xác cao. Loại robot này thường được sử dụng trong hàn, sơn, và các ứng dụng yêu cầu sự linh hoạt về hướng di chuyển.

Robot SCARA

SCARA là viết tắt của “Selective Compliance Assembly Robot Arm”, một loại robot đặc trưng bởi cánh tay có thể xoay theo một mặt phẳng nhất định. SCARA có độ chính xác cao và thường được dùng trong các nhiệm vụ như lắp ráp linh kiện điện tử và di chuyển các chi tiết nhỏ. Khả năng di chuyển nhanh và chính xác của SCARA làm nó trở thành lựa chọn lý tưởng trong ngành công nghiệp điện tử.

Robot SCARA
Robot SCARA

Robot công nghiệp khớp nối

Robot công nghiệp khớp nối, hay còn gọi là robot cánh tay, có cấu trúc tương tự như cánh tay người với nhiều khớp nối. Loại robot này có độ linh hoạt cao, có thể thực hiện các chuyển động phức tạp và đa chiều, phù hợp cho các nhiệm vụ như hàn, lắp ráp và xử lý vật liệu. Đặc điểm nổi bật của robot khớp nối là khả năng làm việc trong không gian ba chiều với tốc độ và độ chính xác cao.

Robot delta

Robot delta có thiết kế độc đáo với ba cánh tay song song nối với một đầu công cụ duy nhất. Loại robot này được thiết kế để xử lý các nhiệm vụ yêu cầu tốc độ cao và độ chính xác lớn, chẳng hạn như phân loại, đóng gói và lắp ráp các sản phẩm nhẹ. Robot delta thường thấy trong các ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm và điện tử.

Robot công nghiệp delta
Robot công nghiệp delta

Ứng dụng của hệ thống robot công nghiệp

Robot công nghiệp được ứng dụng  trong nhiều lĩnh vực sản xuất và công nghiệp, giúp tối ưu hóa hiệu suất, đảm bảo độ chính xác và cải thiện an toàn lao động. Chúng được ứng dụng trong các quy trình từ sản xuất hàng loạt đến lắp ráp, xử lý vật liệu, đóng gói sản phẩm và cả kiểm tra chất lượng. Dưới đây là các ứng dụng chi tiết của hệ thống robot công nghiệp trong các ngành công nghiệp chính:

  • Lắp ráp: Robot thực hiện lắp ráp các linh kiện với độ chính xác cao trong các ngành sản xuất như điện tử và ô tô. Chúng có thể lắp ráp các bộ phận phức tạp nhanh chóng, đảm bảo đồng nhất và giảm lỗi sản xuất.
  • Hàn công nghiệp: Robot hàn được sử dụng phổ biến trong ngành ô tô và sản xuất kết cấu kim loại, giúp tạo ra các mối hàn chất lượng cao, đều và chắc chắn.
  • Xử lý vật liệu: Robot xử lý vật liệu bằng cách di chuyển, xếp dỡ và quản lý hàng hóa. Ứng dụng tiêu biểu là vận chuyển vật liệu trong nhà máy, xếp pallet, và tự động hóa sắp xếp kho hàng.
  • Phun và phủ sơn bề mặt: Robot phun sơn công nghiệp đảm bảo lớp phủ được đều và chất lượng, chúng được ứng dụng nhiều trong sản xuất ô tô, ngành hàng không và nội thất. 
  • Kiểm tra và kiểm soát chất lượng: Với hệ thống cảm biến và camera, robot kiểm tra sản phẩm với độ chính xác cao, phát hiện lỗi nhỏ nhất. Ứng dụng phổ biến trong kiểm tra bằng hình ảnh và kiểm tra kích thước trong các ngành điện tử, ô tô.
  • Đóng gói và lắp ráp: Robot công nghiệp được dùng để đóng gói sản phẩm và sắp xếp chúng trên pallet. Các dây chuyền sản xuất sử dụng robot đóng gói không chỉ giúp đảm bảo tính đồng đều mà còn tăng tốc độ xử lý.
  • Gia công và chế tạo: Robot thực hiện các nhiệm vụ gia công như cắt, phay, khoan, đảm bảo sản phẩm có độ chính xác cao và tăng hiệu quả sản xuất trong ngành cơ khí và chế tạo.

Với những ứng dụng này, robot công nghiệp không chỉ hỗ trợ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn giảm thiểu rủi ro cho con người, giúp các doanh nghiệp ngày càng phát triển.

Ứng dụng robot công nghiệp trong ngành lắp ráp ô tô
Ứng dụng robot công nghiệp trong ngành lắp ráp ô tô

Vai trò của robot trong kỷ nguyên tự động hóa công nghiệp

Kỷ nguyên 4.0 đánh dấu sự bùng nổ của tự động hóa, với sự kết hợp giữa các hệ thống vật lý và mạng lưới kỹ thuật số, hay còn gọi là “Internet vạn vật công nghiệp” (Industrial IoT). Trong bối cảnh này, robot công nghiệp đóng vai trò cực quan trọng, giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh.

  • Robot có thể làm việc liên tục 24/7 mà không bị gián đoạn, từ đó giúp doanh nghiệp tăng năng suất sản xuất một cách đáng kể.
  • Trong các môi trường làm việc nguy hiểm hoặc yêu cầu độ chính xác cao, robot giúp loại bỏ rủi ro cho người lao động, đồng thời đảm bảo tính an toàn và nhất quán trong sản phẩm.
  • Với khả năng lập trình lại dễ dàng, robot có thể thích ứng với các thay đổi trong quy trình sản xuất mà không cần phải đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng mới.
  • Chi phí vận hành thấp hơn, khi một hệ thống robot có thể thanh thế đến hàng chục thậm chí là hàng trăm công nhân vận hành, qua đó tối ưu được rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp.
  • Khi nhiều ngành công nghiệp gặp phải tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là trong các công việc đòi hỏi kỹ năng cao, robot công nghiệp trở thành một giải pháp hiệu quả, bù đắp sự thiếu hụt này.
Vai trò của robot công nghiệp
Vai trò của robot công nghiệp

Lời kết

Với chia sẻ trên của A.I Tech, có thể thấy Robot công nghiệp đã, đang và sẽ tiếp tục đóng một vai trò chủ đạo trong quá trình chuyển đổi số và tự động hóa sản xuất. Từ các ứng dụng đơn giản như lắp ráp đến các quy trình phức tạp như hàn và kiểm soát chất lượng, robot công nghiệp không chỉ giúp tăng hiệu quả sản xuất mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho các ngành công nghiệp.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

zalo-icon
facebook-icon
phone-icon